BỆNH XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Xơ vữa động mạch là bệnh lý vô cùng nguy hiểm bởi người mắc bệnh hầu như không có biểu hiện gì cho đến khi bệnh đã trở nặng. Tuy nhiên, chính sự diễn biến âm thầm này là nguyên nhân khiến nhiều người đứng trước nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, cắt cụt chân, tàn tật và thậm chí tử vong.

1. Bệnh xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch (hay còn được biết đến với tên gọi Atherosclerosis hoặc xơ cứng động mạch) là tình trạng các động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng bám được tạo thành từ cholesterol, các chất béo, chất thải tế bào, canxi và fibrin (một chất đông máu trong máu). Lúc này, các động mạch dần bị xơ cứng và thu hẹp khiến lượng oxy và các chất dinh dưỡng khác đến cơ thể bị giảm đáng kể.
Xơ vữa động mạch chỉ xảy ra ở các động mạch lớn và vừa, không xảy ra ở các động mạch có áp lực thấp như động mạch phổi, hay ở các động mạch nhỏ và tĩnh mạch. Tuy nhiên, đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch nguy hiểm, đặc biệt là những cơn đau tim và đột quỵ.

2. Ai có thể bị xơ vữa động mạch?
Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa xác định nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, một số đặc điểm hoặc thói quen xấu có thể làm gia tăng nguy cơ như:

Người lớn tuổi: Sau 40 tuổi, động mạch bắt đầu có dấu hiệu bị lão hóa, vì thế làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Trong đó, nam giới, nguy cơ gia tăng sau tuổi 45 và nguy cơ gia tăng sau tuổi 55 với phụ nữ.

Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch: Nếu gia đình bạn có người bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ (nam trước 55 tuổi và nữ trước 65 tuổi) sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn những người khác.

Người đang mắc các bệnh huyết áp, cholesterol cao hoặc đái tháo đường: Kết hợp với yếu tố tuổi tác, đây là nhóm người có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh.

Người có lối sống kém lành mạnh: Hút thuốc lá, lười vận động, dùng nhiều thức ăn nhanh… là những thói quen xấu làm tích tụ các mảng bám bên trong thành động mạch.

3. Bệnh xơ vữa động mạch có chữa được không?
Bệnh xơ vữa động mạch rất khó để điều trị dứt điểm. Thế nhưng, một số phương pháp vẫn có thể hỗ trợ ngăn chặn bệnh phát triển thêm hoặc giảm bớt một phần xơ vữa động mạch như:

Thay đổi lối sống: Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh như ăn nhiều chất xơ, hạn chế những thức ăn chứa các chất béo xấu, bạn còn cần tập thể dục thường xuyên và đặc biệt là không nên hút thuốc. Những thay đổi về lối sống này là cách hỗ trợ điều trị không dùng thuốc, không phẫu thuật. Vì thế chúng sẽ không loại bỏ tắc nghẽn nhưng có thể làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Thuốc: Thuốc điều trị cholesterol cao và huyết áp cao có khả năng làm chậm và thậm chí có thể ngăn chặn chứng xơ vữa động mạch. Đồng thời, những loại thuốc này còn có tác dụng làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Thế nhưng tốt nhất, bạn chỉ nên dùng các thuốc trên sau khi được bác sĩ chỉ định và tư vấn về những tác dụng phụ có thể gặp phải.

Nong mạch vành và đặt stent: Phương pháp này thường được chỉ định khi động mạch vành bị hẹp từ 70% trên phim chụp mạch vành. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng một ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại (stent) được đưa qua động mạch đùi hoặc động mạch quay ở cổ tay đi đến động mạch vành người bệnh. Khi đến vị trí bị xơ vữa, bóng được thổi phồng lên để mở rộng lòng mạch và đưa vào giá đỡ kim loại nhằm duy trì sự lưu thông của mạch máu.

4. Làm thế nào để phòng ngừa xơ vữa động mạch?
Không chỉ khó khăn trong điều trị, bệnh xơ vữa động mạch còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phòng ngừa rất cần thiết để giảm bớt chi phí về sau. Các biện pháp giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch bao gồm:

Bỏ hút thuốc.
Ăn thực phẩm lành mạnh.
Tập thể dục thường xuyên.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Thực hiện khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Xơ vữa động mạch là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể cải thiện và phòng chống bằng cách cải thiện lối sống trở nên lành mạnh hơn. Vì thế, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa xơ vữa động mạch để đảm bảo sức khỏe và tiết kiệm chi phí về sau.

5. Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch?
Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:

Các xét nghiệm máu: Xét nghiệm có thể phát hiện tình trạng tăng nồng độ cholesterol và đường trong máu, tình trạng này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Bạn được yêu cầu nhịn ăn uống (trừ nước lọc) từ 9-12 giờ trước khi xét nghiệm máu.

Siêu âm Doppler: Bác sĩ sử dụng máy siêu âm Doppler để đo huyết áp tại các điểm khác nhau dọc theo cánh tay hoặc chân. Những phép đo này có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ tắc nghẽn cũng như tốc độ của dòng máu trong động mạch.

Chỉ số cánh tay-mắt cá chân: Thử nghiệm này có thể cho biết liệu bạn có xơ vữa động mạch ở chân và bàn chân hay không. Bác sĩ có thể so sánh huyết áp ở mắt cá chân với huyết áp ở cánh tay của bạn. Một sự khác biệt bất thường có thể chỉ ra bệnh mạch máu ngoại vi do xơ vữa động mạch gây ra.

Điện tâm đồ: Điện tâm đồ có thể cho thấy bằng chứng của một cơn đau tim trước đó. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn xảy ra thường xuyên, nhất là khi gắng sức, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp trong quá trình đo điện tâm đồ.

Thử nghiệm gắng sức: Phương pháp này được sử dụng để thu thập thông tin tim hoạt động như thế nào trong khi gắng sức. Bởi vì khi bạn gắng sức, tim sẽ bơm khó khăn hơn và nhanh hơn so với hoạt động hàng ngày, thử nghiệm gắng sức có thể tiết lộ các vấn đề trong trái tim mà không được chú ý đến. Thử nghiệm gắng sức thường là đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp đứng yên trong khi theo dõi nhịp tim, huyết áp và hơi thở.

Thông tim và chụp mạch máu: Thử nghiệm này có thể cho thấy động mạch vành nào bị hẹp hoặc bị tắc. Bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào các động mạch của tim thông qua một ống thông nhỏ, dài được đưa vào từ động mạch, thường là ở chân để đưa đến các động mạch trong tim. Khi chất cản quang vào động mạch, hình ảnh động mạch sẽ hiển thị trên hình ảnh X-quang và cho biết khu vực bị tắc nghẽn.

Chẩn đoán bằng hình ảnh khác: Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp mạch máu cộng hưởng từ để xem các động mạch. Những xét nghiệm này thường có thể cho thấy các động mạch lớn bị hẹp và cứng, cũng như phình động mạch và lắng đọng canxi trong thành động mạch.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Một động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh từ cơ thể sẽ được bác sĩ kết nối, hoặc ghép, với động mạch vành bị chặn. Phẫu thuật này giúp tạo ra một con đường mới cho máu giàu oxy chảy đến cơ tim. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải bệnh nhân bị xơ vữa động mạch nào cũng cần thực hiện loại phẫu thuật này.

Thông tin liên quan