RỐI LOẠN NHỊP TIM – NGUYÊN NHÂN CỦA 80% TRƯỜNG HỢP ĐỘT TỬ

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ra cảm giác hồi hộp, đau tức ngực, khó thở… và là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không phát hiện sớm, theo dõi sát sao và điều trị kịp thời. Vậy triệu chứng bệnh loạn nhịp tim là gì? Khi nào cần tầm soát rối loạn nhịp tim?

1. Rối loạn nhịp tim là gì? 
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm. 

Bệnh loạn nhịp tim xảy ra khi các xung động điện tim không hoạt động bình thường, được phân loại dựa vào 3 yếu tố: tần số, vị trí tâm thất hay tâm nhĩ và mức độ thường xuyên.
Các bệnh loạn nhịp tim thường gặp:

Nhịp nhanh đều: nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất.
Nhịp chậm đều: suy nút xoang, blốc (block) nhĩ-thất
Nhịp không đều từng lúc: ngoại tâm thu nhịp đôi, nhịp ba…
Tim loạn nhịp hoàn toàn: rung nhĩ
2. Triệu chứng rối loạn nhịp tim
Các dấu hiệu loạn nhịp tim đáng chú ý: 

Xuất hiện các cơn khó thở.
Thở ngắn. 
Choáng váng, chóng mặt, xây xẩm, cảm giác mất cân bằng. 
Đánh trống ngực, tim đập mạnh trong lồng ngực kèm theo hụt hẫng. 
Hồi hộp, lo lắng. 
Có cảm giác tim ngừng đập một vài giây rồi đập mạnh trở lại. 
Đau tức ngực, có cảm giác ngực bị đè nén. 
Người mệt mỏi, yếu do hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả. 
Ngất xỉu.
Về triệu chứng, biểu hiện nguy hiểm nhất của loạn nhịp tim là bệnh nhân bị ngất xỉu (mất ý thức hoàn toàn). Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim nặng và đáng lo ngại vì nó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng như ngất xỉu khi đang lái xe, leo cầu thang. Do đó, cần phải xử lý và điều trị bệnh sớm, khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh loạn nhịp tim.

3. Nguyên nhân rối loạn nhịp tim
Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim bình thường lúc nghỉ ngơi khoảng từ 60 – 100 nhịp/ phút. Nếu bị tác động bởi một yếu tố nào đó, tim có thể đập nhanh hoặc chậm bất thường. 

Các nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn nhịp tim: 

Sẹo tim do từng bị đau tim.
Tiền sử phẫu thuật tim mở.
Mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh cơ tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành…
Tăng huyết áp.
Các bệnh về tuyến giáp: cường giáp, suy giáp.
Tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạnh càng lớn.
Tiểu đường, rối loạn mỡ máu.
Bệnh phổi mạn tính, viêm phổi – phế quản cấp.
Yếu tố di truyền.
Thiếu máu.
Rối loạn cân bằng kiềm – toan và điện giải.
Tác dụng phụ của thuốc.
Rối loạn tâm lý, căng thẳng, lao động gắng sức.
Lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích.
4. Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Bệnh loạn nhịp tim có thể vô hại nhưng đa phần nó là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị sớm. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất thường, cần sớm gặp bác sĩ, thăm khám để phòng tránh những biến cố nguy hiểm do bệnh gây ra.

Một số dạng rối loạn nhịp tim cần cẩn trọng: 

- Rung nhĩ

Rung nhĩ thường xảy ra ở buồng tim phía trên của tim (tâm nhĩ), chiếm khoảng 1/3 các trường hợp bệnh loạn nhịp tim. Khi rung nhĩ, nhịp tim tăng nhanh đột ngột, có thể từ 140 – 180 nhịp/phút, tâm nhĩ rung chứ không đập được khiến máu không thể tống xuống buồng tim dưới (buồng thất), hình thành nên các cục máu đông. Cục máu đông có thể vỡ bất cứ lúc nào và gây thuyên tắc động mạch phổi, đột quỵ não. 

Rung nhĩ đặc biệt nghiêm trọng với người bệnh tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh động mạch vành, viêm tắc phế quản mãn tính bởi khi xuất hiện các cơn rung ở tâm nhĩ tức là bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn. 

- Nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất làm tim bơm máu khi tâm thất chưa đủ máu nên người bệnh thường có các dấu hiệu mệt mỏi. Căn nguyên của bệnh là do sẹo sau khi phẫu thuật tim mạch hoặc sẹo do bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ gây ra. 

- Rung thất

Là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, thể nặng của nhịp nhanh thất. Rung thất là tình trạng cơ tâm thất rung lên do những xung đột loạn xạ ở buồng tâm thất. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây ngừng tim đột ngột, thậm chí là tử vong do máu không được bơm ra khỏi tim. 

Biến chứng nguy hiểm do bệnh loạn nhịp tim nặng và kéo dài.

- Suy tim

Khi tim bị loạn nhịp, hiệu quả bơm máu sẽ bị giảm sút. Vì vậy, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ máu ra tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Lâu ngày có thể làm tim suy yếu và dẫn đến suy tim.
- Đột quỵ

Máu ứ đọng lại tại buồng tim chính là nguyên nhân hình thành các cục máu đông, làm tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch, gây đột quỵ. 

Một số biến chứng khác người bệnh có thể mắc phải như ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim…

5. Cách điều trị và phòng ngừa rối loạn nhịp tim
   5.1. Chẩn đoán
- Khám lâm sàng:

          Triệu chứng người bệnh đang gặp phải. 

         Tiền sử gia đình. 
- Khám cận lâm sàng:

          Điện tâm đồ ECG.
          Siêu âm tim xem hình ảnh, cấu trúc, chuyển động tim.
         Test gắng sức.
          Xét nghiệm bàn nghiêng.
          Xét nghiệm điện sinh lý tim và lập biểu đồ. 

 5.2. Điều trị rối loạn nhịp tim
Tùy vào loại bệnh rối loạn nhịp tim cụ thể, Bác sĩ có phương cách điều trị phù hợp:

Nhịp tim nhanh: cho uống thuốc để làm chậm lại (kiểm soát nhịp tim), hoặc khảo sát điện học tim để tìm ra và cô lập ổ phát ra loạn nhịp (điều trị cắt đốt điện sinh lý).
Nhịp tim chậm: cấy máy tạo nhịp vào cơ thể, giúp phát ra nhịp tim để tim đập nhanh hơn, đảm bảo được hoạt động của tim.
Loạn nhịp hoàn toàn: cần phải uống thuốc làm loãng máu (kháng đông) nhằm mục đích ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông trong tim, có thể gây ra đột quỵ não.
5.3. Phòng ngừa
Bệnh loạn nhịp tim có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt nếu:

Có lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, loại bỏ thói quen xấu như thức khuya, sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá. 
Ăn các nhóm thực phẩm tốt cho tim như trái cây, rau, ngũ cốc, cá… Đặc biệt, chế độ ăn cần ít muối, chất béo bão hòa và thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn. 
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị tốt các bệnh lý nguy cơ. 
Duy trì cân nặng lý tưởng. 
Kiểm soát huyết áp, lượng cholesterol trong cơ thể. 
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch 6 tháng, 1 năm/1 lần để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn. 

Thông tin liên quan